Nhờ ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, quảng bá thương hiệu nên những sản phẩm mang đậm hương vị quê nhà Hà Tĩnh đã có mặt trên cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Từ lâu, vùng đất Hà Tĩnh đã nổi danh với những đặc sản như cu đơ, nước mắm, bánh ram, cam bù Hương Sơn, cam Vũ Quang, bưởi Phúc Trạch, nhung hươu… Mỗi sản vật đều mang đậm hương vị quê hương, là niềm tự hào của người dân.

Tuy nhiên, một thời gian dài, những đặc sản ấy không được nhiều người biết đến dẫn đến hoạt động sản xuất, chế biến của người dân chưa mấy hiệu quả. Và rồi câu chuyện đó đã có thêm những tình tiết mới khi có sự tham gia của người trẻ, của chuyển đổi số (CĐS). Bằng sự nhạy bén và nhiệt huyết, thế hệ trẻ đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa đặc sản quê hương đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và hướng tới thị trường nước ngoài.

Hành trình vươn tới thị trường trong nước và xuất khẩu của thương hiệu nước mắm Phú Sáng (HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng) ở tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên do chị Nguyễn Thị Sáng (SN 1992) làm Giám đốc là một câu chuyện đầy cảm hứng.

Chị Sáng cho biết: “Khi hầu hết các hoạt động thương mại đều xoay quanh trục CĐS, tôi nhận ra rằng, cách bán hàng của mình đã lạc hậu. Để có được nguồn khách hàng trực tuyến, tôi đã đầu tư cơ sở vật chất như máy tính, máy in hiện đại cùng các trang thiết bị cần thiết khác. Ngoài ra, tôi còn chủ động xin tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu về CĐS do địa phương tổ chức. Từ đó, xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo và sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Hà Tĩnh (hatinhtrade.com.vn do Sở TT&TT vận hành, quản lý) để quảng bá về sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp…”.

Đến nay, khoảng 50% sản lượng nông sản của HTX được tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc qua nền tảng số. Cũng nhờ CĐS, thương hiệu nước mắm Phú Sáng không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn vươn tới thị trường nước ngoài. Trong năm qua, hơn 30 nghìn lít nước mắm đã được HTX xuất khẩu sang thị trường Úc.

Một buổi livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng Tiktok giới thiệu về đặc sản Hà Tĩnh của anh Lê Minh Tuấn.

 

Cũng theo xu hướng CĐS, anh Lê Minh Tuấn (SN 1993, trú tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) lại chọn cách xây dựng kênh Tiktok để đưa nông sản quê nhà vươn xa. Hiện nay, anh đang sở hữu 2 kênh Tiktok “Chàng trai Hà Tĩnh” với 43,3 nghìn lượt theo dõi và kênh “HT Food - Đặc sản Hà Tĩnh” với gần 8 nghìn lượt theo dõi.

Anh Tuấn cho biết: “Năm 2021, sau nhiều năm làm việc tại miền Nam, tôi trở về quê hương và nhận thấy đặc sản của Hà Tĩnh rất phong phú nhưng thị trường còn khá hạn hẹp. Cũng trong thời điểm đó, mạng xã hội Tiktok đang nổi lên như một xu thế mới trong việc bán hàng trực tuyến. Vì thế, tôi đã quyết định nghiên cứu và học cách sản xuất các video ngắn giới thiệu về đặc sản quê nhà, chủ yếu là cu đơ, bánh ram...”.

Các video của anh Tuấn không chỉ giới thiệu về hương vị đặc trưng của từng đặc sản mà còn kể những câu chuyện thú vị về quê hương. Nhờ đó, lượng người theo dõi 2 kênh Tiktok tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, từ khi anh Tuấn liên kết với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn và đưa hàng lên Tiktok shop, rất nhiều khách hàng khắp mọi miền đã đặt mua đặc sản Hà Tĩnh. Hiện nay, trên giỏ hàng Tiktok shop của anh Tuấn đã có hàng nghìn lượt mua hàng và đều có sự phản hồi tích cực. Thành công bước đầu này đã khích lệ anh tiếp tục con đường quảng bá đặc sản Hà Tĩnh.

“CĐS là một xu thế tất yếu trong xã hội hiện nay và người trẻ không thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, tôi mong rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá đặc sản quê hương sẽ có thêm nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh áp dụng” - anh Tuấn chia sẻ.

Năng lượng tích cực từ người trẻ đã lan tỏa và thay đổi tư duy, hành động của thế hệ trung niên. Họ, dưới sự giúp đỡ của người trẻ, bằng sự miệt mài tìm hiểu đã dần bắt nhịp chuyển đổi số để nhanh chóng hòa vào thị trường online, đưa đặc sản quê hương vươn tới những thị trường tiềm năng.

Gần 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nga (SN 1975) - chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga (thôn Bàu Láng, xã Thạch Đài, Thạch Hà) vẫn luôn miệt mài học hỏi, tiếp cận với CĐS. Bởi bà hiểu rằng, nếu muốn đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng thì CĐS chính là “chìa khóa” quan trọng.

 

Bà Nga chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ đưa sản phẩm cu đơ vươn xa tới nhiều thị trường ngoài tỉnh chỉ bằng một cú “click chuột”. Nhưng sau khi thương hiệu cu đơ Phong Nga được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2019, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó. Với sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Văn phòng Điều phối NTM huyện Thạch Hà, tôi đã làm quen với máy tính, với CĐS bằng cách tiếp cận các phần mềm bán hàng trực tuyến”.

Đến nay, bà Nga đã thao tác thành thạo các bước đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT, kiểm soát các đơn hàng, tư vấn bán hàng… Ngoài ra, cơ sở còn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin sản xuất đến người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở đã được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

Đến nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga xuất bán gần 80.000 sản phẩm, mang lại doanh thu gần 500 triệu đồng. Trong đó, gần 40% sản phẩm được bán theo hình thức trực tuyến, thị trường tiêu thụ được mở rộng tới gần 40 tỉnh, thành trên cả nước. Đáng mừng hơn, với những nỗ lực quảng bá thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, vào tháng 9/2024, cu đơ Phong Nga được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Từ những gian hàng truyền thống, giờ đây, đặc sản Hà Tĩnh đã có mặt khắp các sàn TMĐT và mạng xã hội. Từ sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh (hatinhtrade.com.vn) đến các nền tảng như Facebook, TikTok Shop, Shopee, Lazada… người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy và đặt mua những sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Ngoài ra, trên sàn TMĐT Hà Tĩnh (hatiplaza.com - do Sở Công thương vận hành, quản lý) hiện có 555 gian hàng giới thiệu, bày bán hơn 690 sản phẩm, trong đó hơn 490 sản phẩm là đặc sản của tỉnh. Sản phẩm được giới thiệu, bày bán trên sàn TMĐT là những sản phẩm có chất lượng của các cơ sở uy tín như: nước mắm Luận Nghiệp, giò chả Loan Độ, cam giòn Xuân Hòa, gạo Ngọc Mầm, nem chua Ý Bình…

Sự đa dạng về kênh phân phối đã đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng. Hơn hết, việc chuyển đổi số đã góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu, đưa đặc sản Hà Tĩnh vươn xa trên bản đồ Việt Nam và thế giới.

theo Baohatinh.vnlink:https://baohatinh.vn/chuyen-doi-so-dua-dac-san-ha-tinh-vuon-xa-post278667.html


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 121.294
    Online: 34