Đây có thể coi là “tuyên ngôn” sống và hành động suốt cuộc đời, từ khi còn là một sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc về với cõi vĩnh hằng trong cương vị nhà lãnh đạo cao nhất Đảng ta của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

rong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đây có thể coi là “tuyên ngôn” sống và hành động suốt cuộc đời, từ khi còn là một sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc về với cõi vĩnh hằng trong cương vị nhà lãnh đạo cao nhất Đảng ta của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 15/9/2021. (Ảnh: TTXVN).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí phải biết trọng liêm sỉ, trọng danh dự. Theo đồng chí, danh dự là thứ cao quý nhất của đời người. Dù cán bộ nào, cấp to hay nhỏ, ở lĩnh vực hoạt động chính trị hay kinh tế, quân sự hay dân sự, trước hết phải là người trọng danh dự, sống ngay thẳng, liêm khiết, thật thà. Có như vậy mới là con người chân chính, con người có uy tín, nói dân mới nghe, mới tin.

Cuộc sống hiện tại luôn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Nếu cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện về lý tưởng, danh dự, không coi trọng liêm sỉ, thì khó vượt qua được chính mình, dẫn đến “thân bại, danh liệt”, tự mình đánh mất tất cả sự nghiệp lớn lao đã bao năm phấn đấu, theo đuổi.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về đạo đức trong sáng, cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, giản dị, khiêm tốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được lãnh đạo và bạn bè kể lại.

Nhà thơ - Nhà báo Dương Đức Quảng là sinh viên Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đồng môn thân thiết với đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể lại: Trong cuộc đời, chúng ta thường gặp không ít những người có quá nhiều thay đổi với bạn bè, với anh em đồng môn, với hàng xóm xung quanh qua những giai đoạn của đời người. Với đồng chí Nguyễn Phú Trọng thì không. Trong một lần họp lớp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu ý kiến: “Mỗi người trong chúng ta có những vị trí xã hội khác nhau, nhưng điều quý nhất mà tôi luôn tôn trọng và mãi mãi tồn tại là tình thầy trò, đồng môn”. Một lần khác, khi về thăm lại nơi sơ tán cũ của trường - lúc đã là Chủ tịch Quốc hội - ông vẫn cùng vợ đi chung xe với anh chị em trong lớp. Lần ấy, hai ông bà bỏ tiền ra mua một chiếc tivi tặng xã, nhưng khi trao, ông bà thông báo đây là quà tặng của lớp Văn 8.

Nhà báo Vũ Huyến, một bạn đồng môn cùng đi trong chuyến về thăm nơi sơ tán cũ của trường, kể lại: Ông Trọng dặn ban tổ chức lớp lo chu đáo cho lái xe và kiên quyết từ chối kế hoạch đón tiếp mà lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên định tổ chức. Ông nói rõ: “Tôi là cựu sinh viên về thăm bà con đùm bọc chúng tôi hồi sơ tán, đề nghị không đón tiếp linh đình”.

Coi trọng danh dự là một trong những phẩm chất nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là nhân cách của bậc sĩ phu chân chính để làm nên nghiệp lớn. (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm hỏi bà con nhân dân ở thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà vào ngày 22/4/22016).

Nhà văn - Nhà báo Dương Đức Quảng chia sẻ với phóng viên báo Vietnamnet: Ông Nguyễn Phú Trọng là con người hội đủ đức, tài, có cuộc sống trong sạch, giản dị, thông minh, biết mọi “lẽ đời”. Khi học đại học, là học sinh giỏi, luận văn tốt nghiệp xuất sắc, được kết nạp Đảng trong trường học. Ngay khi đã giữ chức Tổng Bí thư của Đảng, trong một lần gặp gỡ thầy, cô và bạn bè cùng lớp, ông nói: “Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học trò cùng lớp của các bạn. Có nhiều bạn trong lớp chúng ta giỏi hơn tôi, nhưng cuộc sống không gặp may mắn. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn lại mãi mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó”.

Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ - Nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhớ lại: Những năm 1990 - 1991, Khoa Ngữ văn cần một người giảng dạy cho sinh viên về chuyên đề nghiệp vụ báo chí, thay cho một giảng viên có việc riêng phải vào thành phố Hồ Chí Minh một thời gian. Có người gợi ý nhờ anh Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản sang dạy giúp, may sao anh vui vẻ nhận lời. Từ đó, mỗi tuần cứ 2 buổi, anh Vỹ ra phố chở anh Trọng bằng xe đạp vào Thượng Đình để lên lớp. Có lần, anh Vỹ hỏi khéo anh Trọng chuyện phương tiện đi lại về lâu dài xem thế nào thì anh trả lời luôn: Việc anh lên lớp thế này là do anh nhận lời khoa với tư cách cá nhân. Mà đã là chuyện cá nhân thì không nên dùng xe công. Thế là từ đó, anh Vỹ chở anh Trọng đến giảng bài bằng xe đạp suốt cả chuyên đề nghiệp vụ báo chí với 70 tiết/mỗi năm và kéo dài như vậy 2 năm liền, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 tiết. Mặc dù, lúc đó anh Nguyễn Phú Trọng là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngang cấp Phó ban của Trung ương Đảng - đã có tiêu chuẩn xe riêng.

Một vị hồi còn là đại biểu Quốc hội đã tâm sự với báo chí: Gia đình vợ con của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như ông, sống cuộc sống rất bình dị, không có gì khác biệt so với mọi người. Khi con ông ra trường, có bạn bè ông đưa giúp hồ sơ của cháu sang xin việc ở Văn phòng Chính phủ. Nhưng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó trả lời là cháu chưa đủ điều kiện vì thiếu thời gian công tác thực tế. Khi biết chuyện này, ông Nguyễn Phú Trọng không những không tác động để con được vào làm việc mà còn cảm ơn người không tiếp nhận đã đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Nhà thơ - nhà báo Dương Đức Quảng nhớ lại: lần gả chồng cho con gái, dù đã ở cương vị “quyền cao, chức trọng”, ngoài gia đình, họ hàng ra, anh cũng chỉ mời những bạn bè thân thiết hồi học phổ thông và đại học đến dự. Còn những người khác, kể cả những người dù làm to đến mấy nhưng không phải là bạn thân, anh cũng không mời. Đám cưới tổ chức rất giản dị, chỉ tiệc trà, hoa quả và bánh ngọt, không có cỗ bàn linh đình. Cả khi cưới con trai cũng vậy, anh chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, mời rất ít bạn bè của anh chị và các cháu chứ không mời rộng rãi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, danh dự là một phẩm chất cao quý nhất của một con người. Nó không thể đo đếm hay mua được bằng vật chất...

Chuyện về người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc, sống và hành động theo gương của Bác Hồ còn nhiều, không thể kể hết trong một bài báo. Tôi còn nhớ như in lời tâm sự của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (lần 2) BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Khi phụ trách thảo luận tổ thuộc khối báo Đảng, với cương vị là lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, được phân công chủ trì, đồng chí phân tích rất sâu sắc những bộc lộ một số yếu kém, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn…

Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh về sự cần thiết phải nêu cao lý tưởng cách mạng, danh dự của một cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí cho rằng, danh dự là một phẩm chất cao quý nhất của một con người. Nó không thể đo đếm hay mua được bằng vật chất. Những con người có nhân phẩm sẽ được xã hội đánh giá cao và kính trọng. Khi chúng ta biết giữ gìn danh dự của mình, của các cá nhân cộng lại, sẽ có được một sức mạnh tinh thần để làm điều tốt, điều thiện, tránh xa được cái xấu.

Theo tôi, coi trọng danh dự là một trong những phẩm chất nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là nhân cách của bậc sĩ phu chân chính để làm nên nghiệp lớn. Lúc còn sống, đồng chí nhiều lần nhắc đến Paven Coocsaghin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Liên Xô. Tôi vô cùng ấn tượng chứng kiến hình ảnh, cách diễn đạt cảm động, lôi cuốn người nghe, xem truyền hình khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại chủ đề này tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.

Sau khi nêu lên tính chất vô cùng quan trọng, cấp thiết của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, Tổng Bí thư giãi bày một đôi điều có tính tâm sự, tâm tình thêm bằng cách nhắc lại câu nói ấn tượng và sâu sắc của Paven Coocsaghin trong cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”. Tổng Bí thư nói đại ý: Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh sự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản chân chính, đã sống và hành động đúng như vậy!

https://baohatinh.vn/danh-du-moi-la-dieu-thieng-lieng-cao-quy-nhat-post270637.html


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 121.591
    Online: 11