Luật Căn cước được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó có những điểm mới đáng chú ý như: Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025; Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi; Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch…

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3)

(1) Vì sao phải đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước?

Việc sử dụng tên “Luật Căn cước” sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại  Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung  Luật; kể cả việc chỉnh lý kỹ thuật như một số ý kiến tham gia theo hướng quy định việc quản lý đối với người gốc Việt Nam ở phần quy định chuyển tiếp của  Luật cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nội dung  văn bản cần phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của văn bản). Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định Luật.

(2) Việc đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước có ảnh hưởng  đến người dân, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước không?

Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 Luật Căn cước đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật Căn cước.

Việc thay đổi từ mẫu thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp với tên gọi Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch... Quy định tên gọi là thẻ Căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (vì trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ Căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế; bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ Căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN). Hiện nay, thẻ Căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chip điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

2. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46)

(1) Sau ngày 01/7/2024, Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng không? Người dân có phải đi làm thẻ căn cước theo mẫu mới hay không? Bao giờ thì các giấy tờ này không còn giá trị sử dụng?

Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước thì giá trị sử dụng của Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân được quy định như sau:

- Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

- Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

- Trường hợp Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

- Người dân không phải đi làm thẻ căn cước theo mẫu mới mà có thể sử dụng Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đến hết thời hạn giá trị sử dụng quy định như trên.

(2) Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã cấp cho công dân có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ Bảo hiểm xã hội, Sổ tiết kiệm…) có phải thực hiện cấp đổi, cấp lại không?

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

3. Bổ sung thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18, Điều 19)

          (1) Luật Căn cước năm 2023 quy định các đối tượng nào được cấp thẻ căn cước? Bổ sung những đối tượng nào?

          Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước thì người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

          Luật Căn cước 2023 đã mở rộng đối tượng cấp là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 18, Thông tin được in trên thẻ căn cước đã có một số thay đổi, trong đó thay đổi thông tin nơi thường trú thành thông tin nơi cư trú. Do đó, đã mở rộng đối tượng được cấp thẻ là công dân Việt Nam có nơi cư trú là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại được thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định của Luật Căn cước công dân thì chỉ cấp được thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam đã có nơi đăng ký thường trú).

          (2) Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước đối với những đối tượng mới được quy định như thế nào?

          Luật Căn cước năm 2023 bổ sung độ tuổi cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi. Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước thì người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau: 

          - Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

          - Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

4. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3, Điều 30)

(1) Những đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước?

Khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước quy định Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

 (2) Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được xác định trên căn cứ nào?

Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

(3) Giấy chứng nhân căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có giá trị như thế nào?

Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước quy định giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

- Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

5. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31, Điều 33)

          (1) Căn cước điện tử là gì? Căn cước điện tử mang lại giá trị gì cho người dân, cơ quan, tổ chức?

- Điều 31 Luật Căn cước quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin, gồm:

+ Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9; khoản 2 và khoản 4 Điều 15;

+ Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

          - Khoản 1 Điều 33 Luật Căn cước quy định Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

          (2) Căn cước điện tử được sử dụng như thế nào?

Khoản 2 Điều 33 Luật Căn cước quy định trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

(3) Việc cấp căn cước điện tử được quy định như thế nào?

Khoản 5 Điều 31 Luật Căn cước giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử. Tại dự thảo Nghị định quy định về định danh, xác thực điện tử, Chính phủ quy định:

“Điều 28. Trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử

1. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02.

2. Cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an thông báo việc tạo lập căn cước điện tử cho công dân đồng thời với việc thông báo kết quả cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02.”

6. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16, Điều 23)

(1) Vì sao phải thu thập thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước?

Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý. Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh. Như vậy, việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

Bên cạnh đó, khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc (ADN và giọng nói) sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

(2) Những thông tin sinh trắc học nào bắt buộc phải thu thập?

- Về thông tin sinh trắc học ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt:

Điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Như vậy việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

- Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói:

Điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.

7. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22)

(1) Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước được thực hiện như thế nào?

Khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước quy định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

(2) Các thông tin, giấy tờ được tích hợp bao gồm những gì? Giá trị của các loại thông tin, giấy tờ được tích hợp như thế nào?

Khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước quy định việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

(3) Việc tích hợp các thông tin, giấy tờ có lợi ích như thế nào đối với người dân?

Hiện nay, Công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp; điều này gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Do vậy, việc Luật Căn cước bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước là rất cần thiết. Quy định này sẽ giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

 

ductho.hatinh.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 121.582
    Online: 6